Bộ Công an và Bộ Quốc phòng có nhiều đại diện trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đặc biệt, hai bộ này luôn có ghế trong Bộ Chính trị các khóa - nhóm những nhân vật quyền lực nhất của Đảng.
Chiến tranh biên giới Việt–Trung: cuộc chiến đẫm máu giữa các ‘đồng chí’
Ngày 17/2/1979 được đánh dấu là thời điểm bắt đầu cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc tại vùng biên giới hai nước. Đó là một cuộc chiến ngắn nhưng đẫm máu giữa những “đồng chí”, đồng minh một thời.
Lúc bấy giờ, Việt Nam vừa thống nhất đất nước sau Chiến tranh Việt Nam thì lại phải lâm vào cuộc chiến với Khmer Đỏ ở Campuchia. Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình gọi Việt Nam là “tiểu bá” và rắp tâm “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Chiến tranh nổ ra trên toàn tuyến biên giới vào ngày 19/2/1979, nhưng trước đó, trong tháng 1 và 2 cùng năm, Trung Quốc đã thực hiện hàng trăm vụ xâm phạm vũ trang vào lãnh thổ Việt Nam. Phía Trung Quốc gọi cuộc chiến này là Đối Việt tự vệ hoàn kích chiến (Chiến tranh tự vệ đánh trả Việt Nam), còn phía Việt Nam thoạt tiên gọi là Cuộc chiến chống bè lũ bành trướng Trung Hoa.
Khi đã hết chiến tranh, trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, trước nhu cầu củng cố quan hệ với Trung Quốc, chính quyền Việt Nam đã tránh làm đậm thông tin cuộc chiến này, tên cuộc chiến cũng đã thay đổi.
Về sau, tên gọi thường được biết đến nhiều nhất là Chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979. Tên của “kẻ thù Trung Quốc” cũng ít được nhắc đến một cách chính thức, như cách mà chính quyền Việt Nam hay nhắc tới Pháp, Nhật, Mỹ trong các cuộc chiến trước đó.
Các lễ kỷ niệm cuộc chiến không được tổ chức long trọng, với sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao nhất của trung ương như các “lễ mừng chiến thắng” thường thấy tại Việt Nam.
Trong khi đó, người dân hằng năm vẫn tưởng nhớ, với các hoạt động dâng hương tại Hà Nội và nhiều nơi.
Tinh thần chống Trung Quốc của người dân trong các dịp này thường được chính quyền Việt Nam theo dõi chặt chẽ với sự cảnh giác cao độ để không “bị thế lực thù địch lợi dụng” hoặc “tránh các diễn biến xấu, vượt kiểm soát”.
Trong những năm gần đây, báo chí Việt Nam nhắc đến cuộc chiến này nhiều hơn, với tên gọi “Trung Quốc” được đề cập, nhưng vẫn theo tinh thần chỉ đạo là “tránh làm căng thẳng quan hệ hai nước”.
Cuộc chiến giữa “những đồng chí xã hội chủ nghĩa” Việt Nam và Trung Quốc là một cuộc chiến ngắn nhưng đẫm máu và kỳ lạ, khi cả hai bên đều tuyên bố thắng lợi.
Trước và sau chiến tranh, quan chức hai bên vẫn gọi nhau là “đồng chí”, vẫn ôm nhau như những bằng hữu, huynh đệ.
Chiến tranh biên giới Việt – Trung thường được xác định diễn ra từ ngày 17 tháng 2 đến 16 tháng 3 năm 1979.
Kết thúc, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành các mục tiêu chính trị, quân sự và kinh tế nên chủ động rút lui.
Trong khi đó, phía Việt Nam cho rằng họ đã đánh lùi được Trung Quốc.
Nguồn hình ảnh, AFP/Getty Images
Mỗi bên đưa ra các con số thiệt hại khác nhau, nhưng theo số liệu phương Tây, phía Trung Quốc có khoảng 20.000 – 28.000 người thiệt mạng, Việt Nam có khoảng 20.000 người chết hoặc bị thương.
Trên thực tế, cuộc xung đột biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc còn kéo dài suốt thập niên 1980, với các vụ đụng độ giữa bộ binh và các màn pháo kích liên miên giữa hai bên.
Xung đột chỉ thực sự chấm dứt khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1991.
Từ đó đến nay, các mâu thuẫn về lãnh thổ, lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn tiếp tục tồn tại.
Tuy nhiên, lãnh đạo hai nước vẫn không ngừng nêu cao luận điệu về tình anh em, đồng chí.
Cân bằng giữa hai lực lượng vũ trang
Sau khi bà Trương Thị Mai thôi chức, ông Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, được phân công làm thường trực Ban Bí thư.
Theo Quy định số 80-QĐ/TW của Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư còn được Bộ Chính trị ủy quyền để xem xét, bổ nhiệm lại đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý mà công tác tại các ban đảng, cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Trung ương.
Điều này cho thấy vị trí thường trực Ban Bí thư cũng có tiếng nói trong việc quy hoạch nhân sự thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý.
Giáo sư Alexander L Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Hoa Kỳ), nói với BBC News Tiếng Việt rằng việc thăng cấp thường trực Ban Bí thư cho Đại tướng Lương Cường giúp điều chỉnh lại cán cân quyền lực trong nhóm lãnh đạo cao nhất của Đảng, đặc biệt là giữa hai lực lượng vũ trang của Đảng – đó là công an và quân đội.
Theo ông Abuza, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể dùng quân đội để cân bằng quyền lực, vì “chỉ có quân đội mới là lực lượng làm đối trọng với Bộ Công an”.
Cần nói thêm ở đây, vị trí thường trực Ban Bí thư mà Đại tướng Lương Cường nắm giữ là một trong 5 chức danh quyền lực nhất, bên cạnh "Tứ Trụ".
Chưa kể, xét các đời tổng bí thư từ sau Đổi mới tới nay, có thể thấy một thông lệ rằng các vị này đều từng nắm chức vụ trong "Tứ Trụ" hoặc từng làm thường trực Ban Bí thư.
Như vậy, vị trí thường trực Ban Bí thư có thể là một "bước đệm" để tiến đến vị trí cao nhất trong Đảng.
Trong lịch sử, chưa từng có tổng bí thư nào xuất thân từ công an nhưng từ quân đội thì có Thượng tướng Lê Khả Phiêu.
Thế nên, khả năng ông Lương Cường có thể thăng tiến xa hơn là rất cao.
Giáo sư Abuza nói rằng quân đội có hình tượng đẹp trong lòng nhân dân vì trong các cuộc chiến giành độc lập, họ đã đóng một vai trò quan trọng.
Giáo sư Abuza cũng nói rằng, quân đội ngày càng tránh xa nhiệm vụ giải quyết các vụ bất ổn trong nước. Do đó, họ càng bảo vệ được hình tượng của mình.
Trong khi đó, công an thường mang hình ảnh không mấy tốt đẹp trong mắt công chúng.
Điều này có thể đúng cả với các đại biểu Quốc hội (với hơn 97% là đảng viên) khi sự tín nhiệm của họ dành cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cao hơn Bộ trưởng Bộ Công an.
Vào tháng 10/2023, kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội khóa 15 bầu, phê chuẩn thì Đại tướng Tô Lâm nhận 329 phiếu “tín nhiệm cao” (khoảng 68% tổng phiếu thu về) và có tới 43 phiếu “tín nhiệm thấp” (khoảng 8,94%).
Người đứng đầu về số phiếu "tín nhiệm cao" là Đại tướng Phan Văn Giang với 448 phiếu (chiếm 93,14%) và ông Giang chỉ có 4 phiếu "tín nhiệm thấp" (khoảng 0,83%).
Giáo sư Carl Thayer đánh giá với BBC rằng ông Tô Lâm không được lòng các đồng chí của mình và “có những người thực sự lo ngại về ông Tô Lâm, nên ông ấy là một ứng viên gây chia rẽ”.
“Đảng Cộng sản Việt Nam thường muốn hướng tới sự ổn định và đồng thuận, điều này gây bất lợi cho ông Tô Lâm,” Giáo sư Thayer đánh giá.
Bộ Công an đang ngày càng quyền lực?
Quốc hội sẽ bầu chức danh chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín vào ngày 22/5 và Đại tướng Tô Lâm đã được Đảng giới thiệu cho chức vụ này và hầu như chắc chắn, ông Tô Lâm sẽ trở thành tân chủ tịch nước.
Đáng chú ý, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại họp báo ngày 19/5 rằng trong kỳ họp thường kỳ lần 7 này, Quốc hội sẽ không thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh bộ trưởng Công an đối với ông Tô Lâm. Đồng thời cũng chưa phê chuẩn nhân sự bộ trưởng Công an thay thế ông.
Như vậy, theo lịch trình của Quốc hội, nếu ông Tô Lâm chính thức trở thành chủ tịch nước và tiến hành tuyên thệ, nhậm chức vào ngày 22/5, đại tướng vẫn giữ chức bộ trưởng Bộ công an do chưa được miễn nhiệm.
Nếu ông Tô Lâm kiêm nhiệm hai chức vụ, quyền lực trong tay ông sẽ ngày càng lớn vì theo Hiến Pháp, chủ tịch nước là chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc phòng, người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân (gồm Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ).
Và khi vẫn nắm Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm vẫn có quyền điều hành trực tiếp bộ máy điều tra khổng lồ, vốn là công cụ chính của chiến dịch “đốt lò”, nhất là khi ông đã làm Bộ trưởng Công an gần hai nhiệm kỳ.
Giáo sư Zachary Abuza từ Đại học National War College (Mỹ) nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "trao cho ông Tô Lâm quyền lực để chống tham nhũng".
Và cũng theo ông Abuza, có thời điểm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không còn có thể kiểm soát quyền lực của Đại tướng Tô Lâm.
Về nhân lực, Bộ Công an chưa bao giờ công bố con số chính xác lực lượng chính quy. Tuy nhiên, vào năm 2017, Giáo Sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, đăng trên blog của mình con số ước lượng công an ở Việt Nam, từ công an có thẻ ngành đến những lực lượng bán vũ trang trực thuộc sự chỉ huy và điều động của Bộ Công an, là khoảng 6,7 triệu người vào năm 2013.
Trong số này, có 1,2 triệu công an chính quy. Nhân lực Bộ Công an sẽ ngày càng phình to vào ngày 1/7/2024 tới đây, khi Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chính thức có hiệu lực.
Luật này được Quốc hội khóa 15 thông qua vào tháng 11/2023, sáp nhập các lực lượng tham gia bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng vào thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, được coi là "cánh tay nối dài" của Bộ Công an.
Ước tính, Bộ Công an sẽ có thêm khoảng 300.000 nhân viên từ lực lượng này.
Máy của bạn không hỗ trợ nghe xem
Dự thảo luật này từng được Quốc hội khóa 14 xem xét nhưng sau đó không được thông qua vì vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, có cả từ phía quân đội.
Cụ thể, tháng 11/2020, khi xem xét dự thảo "Luật Lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở" nói trên, đại biểu Sùng Thìn Cò, Thiếu tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam, cựu Phó Tư lệnh Quân khu 2 và là ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội khóa 14, đã nêu ý kiến: "Xin lỗi bộ trưởng chứ lực lượng công an quá đông!"
"Một tỉnh ít nhất có 3.000, tỉnh to thì 4.000 công an chính quy. Đông như thế mà còn thêm nhiều lực lượng nữa. Chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ khả năng để chúng ta nắm tình hình, xử lý tình hình?" ông Cò phát biểu.
Vào thời điểm đó, luật gia, nhà báo Trịnh Hữu Long nhận định với BBC rằng không phải ngẫu nhiên mà ông Sùng Thìn Cò lại phát biểu như vậy.
Ông Long nhắc đến việc ông Cò là một tướng lĩnh bên quân đội và cho rằng phát ngôn của ông Cò có thể "đại diện cho một nhóm trong quân đội đang cảm thấy bị ngành công an lấn sân quyền lực".